Thủ Tục Nhập Khẩu Trái Cây Tươi

Gần đây, hoa quả tươi nhập khẩu ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, chẳng hạn như táo, cam, quýt, nho, lê, cherry, lựu, hồng… Người Việt đặc biệt ưa thích những loại trái cây sạch, có nguồn gốc xuất xứ từ những quốc gia có tiêu chuẩn cao như: Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand, v.v…
Vì đây là những loại hàng tươi mau hỏng, do đó, một lượng không nhỏ được đi bằng đường hàng không (air) về qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nhiều chủ hàng cũng có thể nhập về qua đường biển, trong các container bảo ôn để giữ nhiệt độ ổn định trong suốt hành trình về cảng Hải Phòng, Cát Lái.
Nếu Quý vị dự định nhâp hàng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thủ tục nhập khẩu trái cây tươi về Việt Nam gồm những bước dưới đây

Thủ Tục Nhập Khẩu Trái Cây Tươi Vào Việt Nam

Có một số bước chính cần thực hiện bao gồm:
• Kiểm tra danh mục nhập khẩu
• Xin giấy phép kiểm dịch
• Đăng ký lấy mẫu kiểm dịch
• Lấy mẫu kiểm dịch
• Làm thủ tục thông quan nhập khẩu
Trình tự các bước cần thực hiện như sau:

Bước 1: Kiểm Tra Danh Mục Nhập Khẩu

Có lẽ việc đầu tiên quý vị cần làm sớm, đó là tìm hiểu và kiểm tra xem mặt hàng trái cây mình muốn nhập khẩu từ quốc gia nào, có được phép nhập vào Việt Nam không?
Hàng hoa quả tươi không thuộc diện bị cấm hay hạn chế nhập khẩu (theo Nghị định 187/2013).
Tuy vậy, theo quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT, thì quả tươi thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, rất có thể loại trái cây bạn định nhập khẩu từ quốc gia chưa được phép kiểm dịch do có nguy cơ dịch hại.
Để biết được điều này, tốt nhất quý vị nên liên hệ với Cục bảo vệ thực vật – Bộ NNPTNT, và hỏi thông tin chính thức trước khi quyết định có nhập hàng hay không.
Nếu hàng thuộc diện được phép kiểm dịch (không bị cấm), thì làm tiếp…

Bước 2: Xin Giấy Phép Kiểm Dịch

Đây là công việc nộp hồ sơ cho Cục bảo vệ thực vật – Bộ NNPTNT để họ kiểm tra, xét duyệt, và cho phép hàng được kiểm dịch thực vật khi về đến Việt Nam. Có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
Bạn có thể tham khảo Quyết định 48/2007/QĐ-BNN (hoặc văn bản thay thế) về thủ tục cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với các vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập vào Việt Nam.
Địa điểm xin giấy phép: Cục bảo vệ thực vật, tại Số 149 Hồ Đắc Di, Quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ sơ xin giấy phép cần có:
• Đơn đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu (theo mẫu)
• Hợp đồng thương mại: bản sao chụp
• Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: bản sao chụp
Thời gian xin và chờ kết quả nếu hồ sơ chuẩn chỉnh cũng mất khoảng 15-18 ngày. Nếu sai sót thì phải bổ sung chỉnh sửa, cần thêm thời gian. Do đó, quý vị nên xin giấy phép sớm, tốt nhất là trước khi hàng về đến Việt Nam, để tránh phát sinh chi phí lưu kho. Giấy phép này có giá trị 1 năm, và trừ lùi số lượng sau mỗi lần nhập.

Bước 3: Đăng Ký Lấy Mẫu Kiểm Dịch Thực Vật Và An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm

Khi hàng về đến cửa khẩu (sân bay hoặc cảng biển quốc tế), bạn làm thủ tục đăng ký Kiểm dịch thực vật và An toàn vệ sinh thực phẩm (làm cùng lúc) với Chi cục kiểm dịch thực vật vùng. Hiện đã thực hiện làm hồ sơ qua cổng thông tin 1 cửa quốc gia.
Hồ sơ kiểm dịch gồm:
• Giấy đăng ký (theo mẫu).
• Giấy phép kiểm dịch (ở Bước 2)
• Chứng thư kiểm dịch gốc của nước xuất khẩu (Phytosanitary Certificate)
• Hợp đồng mua bán, Hóa đơn thương mại, Phiếu đóng gói, Vận đơn v.v…
Địa điểm đăng ký tại 1 số chi cục kiểm dịch ở các cảng biển, sân bay quốc tế của Việt Nam:
Vùng 1: Số 2 Trần Quang Khải, TP Hải Phòng
Vùng 2: 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đakao, Q. 1, TP HCM
Vùng 3: 146 Hoàng Diệu, TP Đà Nẵng
Vùng 5: 149 Hồ Đắc Di, Đống Đa, TP Hà Nội

Bước 4: Lấy Mẫu Kiểm Dịch

Khi đăng ký xong, và sau khi hàng về đến sân bay hoặc cảng biển, nhà nhập khẩu (hoặc công ty dịch vụ) phối hợp với cán bộ kiểm dịch đến kho tập kết hàng ở sân bay (hoặc mở cont lạnh tại bãi cảng) để lấy mẫu.
Thường cán bộ kiểm dịch sẽ lấy 2 mẫu, cho vào túi niêm phong đem về chi cục để tiến hành làm công tác kiểm nghiệm. Nếu mọi thứ diễn ra bình thường, thì sau khoảng 1 ngày sẽ có kết quả kiểm dịch (chứng thư).

Bước 5: Làm Thủ Tục Hải Quan Nhập Khẩu

Sau khi đăng ký kiểm dịch ở Bước 3, lúc này có thể truyền tờ khai, và nộp hồ sơ hải quan. Khi có kết quả ở Bước 4, bổ sung vào hồ sơ để cán bộ hải quan kiểm tra một lượt các chứng từ.
Nếu tờ khai phân luồng đỏ, thì sau bước hồ sơ, sẽ phải kiểm tra thực tế hàng hóa tại kho hoặc cảng. Quý vị có thể làm gộp luôn bước này vào khi mẫu kiểm dịch (Bước 4) để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Sau khi kiểm hóa xong, hàng hóa chuẩn chỉnh, thì tờ khai sẽ được thông quan.
Với kết quả thông quan, bạn bố trí xe lấy hàng về kho là hoàn thành Thủ tục nhập khẩu trái cây tươi.

Một Số Lưu Ý Khi Làm Thủ Tục Nhập Khẩu Trái Cây Tươi

Mặc dù pháp luật không cấm nhập khẩu trái cây, nhưng không phải trái cây nào, hay có xuất xứ từ quốc gia nào cũng được nhập khẩu về Việt Nam. Để biết cụ thể, Quý vị cần liên hệ hỏi Cục bảo vệ thực vật, hoặc có thể tham khảo nhanh trên website của cơ quan này tại địa chỉ: www.ppd.gov.vn
Bài viết này viết về Thủ tục nhập khẩu trái cây tươi (được giữ lạnh). Còn với hoa quả khô, đựng trong bao bì có nhãn mác, thì thủ tục sẽ khác đi (nhiều khả năng phải làm công bố thực phẩm nhập khẩu).
Để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, quý vị cần cung cấp chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin) chuẩn chỉnh, chẳng hạn C/O Form E của Trung Quốc, C/O Form AANZ của Úc, New Zealand.
Và với những lưu ý trên, chúng tôi xin kết thúc bài viết về Thủ tục nhập khẩu trái cây tươi. Nếu công ty quý vị cần tìm đơn vị vận chuyểndịch vụ làm thủ tục cho hàng hoa quả nhập khẩu, vui lòng liên hệ với tôi qua để được tư vấn kỹ càng.

5/5 (1 Review)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *